LÀM GÌ KHI CON NHÚT NHÁT VÀ HAY BỊ BẠN BẮT NẠT

Việc con bị những đứa trẻ khác trêu chọc, bắt nạt khi ra ngoài luôn là một nỗi lo canh cánh trong lòng ba mẹ, đặc biệt là với những em bé nhút nhát, hay yếu đuối. Nếu con bạn không may rơi vào trường hợp đấy, thì ba mẹ sẽ có cách xử lý và dạy con như thế nào hiệu quả để đối phó?

LÀM GÌ KHI CON NHÚT NHÁT VÀ HAY BỊ BẠN BẮT NẠT

TRẺ NHÚT NHÁT VÀ HAY BỊ BẮT NẠT
Chúng ta biết rằng bắt nạt học đường cũng như trong xã hội là việc rất nghiêm trọng, và nó xảy ra ở mọi quốc gia, cả ở những nền giáo dục văn minh. Nó gây tổn thương tâm lý cực kỳ nặng nề, thậm chí cả tự tử. Chúng ta thường rất phẫn nộ với những clip bị đánh đập hội đồng, nhưng bạo hành tinh thần bằng việc tẩy chay, cô lập, bịa chuyện, chửi bới hoặc làm nhục, lăng mạ gia đình, thao túng trên mạng... còn nhiều hơn, và cũng ảnh hưởng không tốt tới con trẻ.
Việc bị bạn bè bắt nạt có tác động sâu sắc đến trẻ em. Bởi vì đó là những cách hành xử xấu và sẽ làm tổn thương con ghê gớm. Con bạn lại không dám nói vì sợ bị đánh, mất tình bạn hoặc bị các bạn khác cô lập.

NGUYÊN NHÂN KHIẾN TRẺ NHÚT NHÁT, HAY BỊ BẮT NẠT
Trẻ em nhút nhát kéo dài có thể do một hay nhiều nguyên nhân. Có thể do cấu trúc gen của trẻ có những yếu tố gây ra tính nhút nhát được thừa hưởng từ bố mẹ. Bản tính của những em bé nhút nhát là nhạy cảm quá mức hoặc dễ hoảng sợ.
Trẻ lớn lên trong môi trường gia đình không lành mạnh sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu cho trẻ. Những đứa trẻ bị người thân bạo hành, lạm dụng thường hay có hành vi bắt nạt hơn. Và bản thân trẻ đôi khi sẽ dễ thỏa hiệp hay chấp nhận hoặc không dám lên tiếng khi bị người khác bắt nạt mình vì đã quen với điều đó từ nhỏ.
Tình bạn của trẻ nhỏ thường rất mong manh, nên việc xích mích giữa các con là điều thường xảy ra. Hơn nữa, có đôi khi là do ba mẹ quá bao bọc con, khiến con không tự tin giao tiếp cũng như thể hiện cá tính, đó cũng có thể là nguyên nhân con bị bạn bè không thích và bắt nạt…
Tuy nhiên, ba mẹ cũng cần nắm được rõ vấn đề, là trẻ nhút nhát, hay bị bắt nạt và dễ dọa thực chất là trẻ có tính cách kỹ tính. Vì thế cần có cách nhìn đúng để giáo dục con theo hướng tích cực.

THẤU HIỂU SỰ NHÚT NHÁT CŨNG NHƯ LÝ DO CON BỊ BẮT NẠT
Đầu tiên và quan trọng nhất là phải hỏi con: “CON CẢM THẤY thế nào. Vì có những bạn bình thản, dễ quên khi bị đánh, tẩy chay, nói xấu, nhưng có bé thì cực kỳ tổn thương.
Hãy để con nói. Khi con đang tổn thương, ba mẹ hãy lắng nghe, đồng cảm và tôn trọng con vô điều kiện bằng những câu nói kiểu như: “Ừ, buồn thật, mẹ hiểu vì sao con thấy sợ hãi, buồn, bối rối… Khi trẻ con nhút nhát, điều tốt nhất mà ba mẹ có thể làm chính là bảo vệ con mình bằng tình yêu thương thực sự.
Tuyệt đối không bao giờ “gắn mác” bé là người nhút nhát. Những sự phán xét hay áp đặt của ba mẹ có tác động rất lớn đối với con trẻ, thậm chí gây ảnh hưởng lên cả cuộc đời chúng về sau. Nếu ba mẹ cho rằng con mình nhút nhát và trẻ biết được điều đó, bé sẽ tin đó là sự thật, và sẽ không có động lực để cố gắng khắc phục.
Ba mẹ cũng cần làm gương, sống hòa đồng và cư xử thân thiện với mọi người xung quanh, con cái sẽ học tập được điều đó. Còn bố mẹ có tính hay lo âu sẽ khiến cho trẻ có cảm giác thế giới này là một nơi đáng sợ, và bé sẽ trở nên rụt rè hơn.

CÁCH CAN THIỆP VÀ XỬ LÝ CỤ THỂ CỦA BA MẸ KHI CON BỊ BẮT NẠT
Trẻ con vốn rất ghét kẻ mách lẻo, và cũng ghét bị mang tiếng mách lẻo. Đó là cái thóp mà kẻ bắt nạt và kẻ lạm dụng con luôn dọa. Bạn chắc chắn đã gặp trường hợp con bị bắt nạt, ba mẹ biết thì tỏ vẻ lo sợ hay bực tức và không cho phản ánh với cô giáo hay nhà trường đúng không nào? Nhưng, phải cho con hiểu: việc con nói ra là rất tốt, rất dũng cảm, sẽ giúp được cho con và nhiều bạn khác, đó không phải là mách lẻo.
Hãy căn dặn con rằng không được trả đũa. Bạo lực sẽ leo thang ko biết tới lúc nào mới ngừng và không thể kiểm soát được hậu quả. Với bắt nạt trên mạng xã hội thì có thể bày con cách chặn, block để con không bị nhiễu loạn. Báo với cô giáo và nhà trường đúng quy trình nếu cần thiết.
Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là dạy con chấp nhận, “một sự nhịn là chín sự lành”. Không khoan nhượng, không xuề xòa, mà phải giải quyết triệt để. Con sẽ học từ phản ứng của mẹ, nên ba mẹ đừng cuống lên, cũng đừng quá gồng, đừng mang những tổn thương quá khứ của mình để chất vào con. Hãy đi từ nguyên nhân, đàm phán, giải quyết với bạn, hóa giải mâu thuẫn và có sự can thiệp của người lớn...
Quan trọng nhất là hãy làm con mạnh mẽ lên. Khi con mạnh mẽ lên thì có nghĩa là những tấn công bên kia sẽ yếu đi. Mạnh mẽ nhờ có nhiều bạn thân, có đồng minh mạnh, mạnh vì có sự bình thản từ bên trong... Hoặc tất cả số đó.
Bắt nạt có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng ba mẹ có thể coi đó là bài học. Khi muốn con giỏi toán, chúng ta cho con làm bài tập nhiều hơn. Vậy thì lúc này, với môn Giao tiếp Xã hội, coi như con đang phải giải một bài tập khó. Hãy cùng con tính xem nên xử lý bài này thế nào.
Và thường thì mọi vấn đề đều phải từng bước hình thành, ba mẹ hãy để tâm nghe ngóng mỗi ngày để biết từ khi mới chỉ là những vấn đề nhỏ, đừng đợi bão lớn mới ra tay dập bão nhé! “Những khó khăn không quật ngã được con thì sẽ càng làm con mạnh lên”. Câu này đúng cả về nghĩa đen với các tế bào não đó ba mẹ à!

Nguồn: cuasovang

Nhận xét